Nếu bạn là fan cứng của dòng phim Cung Đấu lấy cảm hứng từ các nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc thì chắc hẳn những cái tên như Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Từ Hy thái hậu, Ung Chính…đã không còn gì xa lạ. Nhưng đã bao giờ bạn đặt câu hỏi về tính cách, con người thật của những nhân vật đó chưa? Trên thực tế, tại Trung Quốc những vai diễn lấy cảm hứng từ những nhân vật này đã gây ra nhiều tranh cãi đối từ phía người xem.
Vậy đó là những tranh cãi gì? Liệu chúng ta có hiểu đúng về các nhân vật lịch sử tầm cỡ này hay chưa?
Hôm nay hãy cùng Học tiếng Trung Quốc mỗi ngày tìm hiểu thêm về sự thật đằng sau những nhân vật lịch sử Trung Quốc trên màn ảnh này nhé!
1.Tần Thủy Hoàng 秦始皇 (259 TCN – 210 TCN)
Đầu tiên phải kể đến là Tần Thủy Hoàng – Vị vua thứ 36 của nước Tần. Bản thân Tần Thủy Hoàng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi, khi ông vừa là vị hoàng đế đầu tiên tiêu diệt 6 nước chư hầu thống nhất Trung Quốc, vừa là bạo chúa chống lại Nho học, khiến nhân dân lâm vào cảnh lầm than.
Lịch sử chuyển biến, giá trị quan của con người cũng dần thay đổi, mọi người dần có những nhận định và bình luận mới về hành vi đạo đức, cũng như những cống hiến của Tần Thủy Hoàng đối với đất nước.
Do đó những bộ phim tái dựng cuộc đời Tần Thủy Hoàng luôn gây nhiều tranh cãi, điều này được thể hiện rõ trong bộ phim điện ảnh “Kinh Kha hành thích Tần vương” hay có tên gọi khác là “Hoàng đế và thích khách” của đạo diễn Trần Khải Ca, bộ phim xoay quanh bốn nhân vật chính là Tần ương (Lý Tuyết Kiện đóng), Triệu Cơ (Củng Lợi đóng), Kinh Kha (Trương Phong Nghị đóng) và Yến thái tử Đan (Tôn Châu đóng). Trong bộ phim này đạo diễn Trần Khải Ca đã hý kịch hóa nhiều chi tiết về các nhân vật lịch sử, ông đã đưa khái niệm bạo lực mỹ học vào để khắc họa Tần vương Doanh Chính.
Tuy nhiên, đến bộ phim “Anh hùng” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Tần Thủy Hoàng lại được xây dựng như một vị vua trí dũng song toàn, xứng đáng nhận được sự kính trọng của tất cả mọi người, thậm chí ngay đến kẻ thù cũng phải đồng tình với lý tưởng chính trị vĩ đại của ông, để rồi cuối cùng chấp nhận buông đao đầu hàng.
So với những bộ phim điện ảnh trên, có thể nói phim truyền hình “Tần Thủy Hoàng” do Đài ATV Hong Kong sản xuất đã khai thác trọn vẹn hơn cả về cuộc đời vị hoàng đế này, dù bản truyền hình cũng đã “tình cảm hóa” mối quan hệ giữa Tần Thủy Hoàng và Mạnh Khương Nữ.
2.Từ Hi thái hậu 慈禧太后 (1833 – 1908)
Từ Hi Thái hậu được biết đến nhiều nhất với hình tượng một người đàn bà quyền lực chuyên chế, hủ bại, thậm chí là tàn bạo. Theo ghi chép một lần Từ Hi và thái giám chơi cờ, trong phút lỡ lời, thái giám nói với bà: “Tôi ăn con ngựa của ngài”, Thái hậu lập tức nổi giận và xử tử vị thái giám nọ.
Nhưng trong phim “Đi về phía Cộng hòa”, Từ Hi không chỉ được khắc họa như một nhà chính trị gia tài ba, thậm chí còn được miêu tả như một người có nhiều sở thích tao nhã. Đến việc sử dụng ngân lượng của hải quân để xây dựng Di Hòa viên và mở tiệc mừng thọ cũng được xem là mục đích vì thể diện của triều đình. Ngoài ra, bộ phim còn thêm vào rất nhiều chi tiết để ca ngợi lòng nhân từ của bà.
3.Ung Chính 雍正 (1678 – 1735)
Ung Chính là vị hoàng đế thứ năm của nhà Thanh, ông được biết đến như một vị hoàng đế siêng năng, cần kiệm và chống tham nhũng quyết liệt, mục tiêu của ông là tạo ra một triều đình hiệu quả mà không cần tốn kém. Các chính sách này của ông đã mở đường cho sự thịnh trị gần 150 năm của nhà Thanh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ghi nhận lịch sử, chính sách cai trị của ông được đánh giá là có phần hà khắc và cực đoan, ông từng hạ lệnh giết công thần, giết huynh đệ, thậm chí có dã sử còn chép rằng ông từng giết cha và con ruột của mình.
Do vậy, khi bộ phim “Vương triều Ung Chính” ra mắt, đã gây lên làn sóng tranh cãi mạnh mẽ, nhiều người cho rằng bộ phim đã đổi trắng thay đen khi xây dựng Ung Chính như một vị minh quân, hiền đạt, trung dung, thấu tình đạt lý.
Có thể nói, Vương triều Ung Chính đã bứt phá so với các bộ phim cùng đề tài, việc đảo ngược tính chất nhân vật lịch sử này khiến một bộ phận người xem có cái nhìn sai lệch về Ung Chính đế.
4.Võ Tắc Thiên 武则天 (624 – 705)
Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, bà là nguồn cảm hứng cho rất nhiều đạo diễn và biên kịch phim.
Thời gian tại vị, Võ Tắc Thiên sử dụng nhiều chính sách, chế độ cai trị hà khắc và cứng rắn. Tuy nhiên, phần lớn phim truyền hình đều tập chung làm nổi bật mặt chính diện của vị nữ hoàng đế.
Chỉ có hai bộ phim Võ Tắc Thiên phiên bản Lưu Hiểu Khánh và Đại Minh Cung Từ do Quy Á Lôi đóng, là bám sát lịch sử, miêu tả tương đối chân thật sự tàn khốc dưới chế độ của vị nữ đế này.
5.Hòa Thân 和珅 (1750 – 1799)
Hòa Thân là một trọng thần dưới triều vua Càn Long. Ông được biết đến như là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng theo các nhà sử học chuyên nghiên cứu đời Thanh, những bộ phim truyền hình khai thác về nhân vật này thường xây dựng nhân vật hoàn toàn sai lệch với lịch sử.
Trong thực tế, Kỷ Hiểu Lam mới là một người đàn ông mập mạp, còn Hòa Thân là một mỹ nam, nhưng khi được đưa lên màn ảnh Hòa Thân lại dáng vẻ vừa lùn vừa mập.
Ngoài ra, Hòa Thân là một người có tài đối ngoại, giỏi chính trị, dưới triều vua Càn Long ông nắm giữ chức vụ nội chính. Không chỉ vậy, ông còn thông thạo 4 ngôn ngữ: Mãn, Hán, Tạng và Duy Ngô Nhĩ, tài làm thơ cũng được công nhận. Có điều, Hòa Thân cũng nổi tiếng là một đại tham quan, sau khi Hòa Thân bị xử tội chết, dân gian đã lưu truyền một câu nói: “Hòa Thân rớt đài, muôn dân ấm no”.
Nhưng có nhiều phim truyền hình hiện nay đã đã phá vỡ hình tượng nhân vật phản diện vốn có của Hòa Thân, biến ông ta thành chính nhân quân tử.
Hi vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu hơn và tích lũy thêm những kiến thức bổ ích về những nhân vật lịch sử Trung Quốc kể trên. Hi vọng các bạn thích bài viết này và hẹn gặp các bạn ở những bài viết sau nhé! Nếu bạn quan tâm đến các khóa học tiếng trung cam kết đầu ra thì đừng quên tham khảo Hệ thống Hoa Ngữ – Học tiếng Trung Quốc mỗi ngày nhé!
Để nhận “Tư vấn” và nhận các chương trình “Ưu Đãi” về khóa học cũng như lịch học cụ thể. Bạn hãy để lại thông tin dưới đây nhé!