Đối với người Trung Quốc nói riêng, Tết Nguyên Tiêu là để đánh dấu sự kết thúc Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Tiêu hay Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”, với tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc, có thể kéo dài từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng.
Vậy Tết Nguyên Tiêu bắt đầu từ đâu, người dân Trung Quốc đón Tết nguyên Tiêu như thế nào, hãy cùng Hệ thống Hoa Ngữ – Học tiếng Trung Quốc mỗi ngày tìm hiểu nhé!
Tết Nguyên Tiêu là Tết gì?
Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) là lễ hội cổ truyền của Trung Quốc. Tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc thường tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch.
“Nguyên” có nghĩa là thứ nhất, “Tiêu” là đêm. Vì vây Tết Nguyên Tiêu là đêm rằm đầu tiên của năm. Tết Nguyên Tiêu có một tên gọi khác là lễ Thượng Nguyên, ngoài ra Tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc còn có một tên gọi khác là Lễ Hội Lồng Đèn.
Nguồn gốc Tết Nguyên Tiêu của Trung Quốc
Trước đây ở Trung Quốc, Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Trạng Nguyên. Nguyên nhân là vào dịp Tết này nhà vua thường thết tiệc các Trạng Nguyên. Vua mời họ vào vườn Thượng Uyển thưởng hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Nguyên là Trạng Nguyên, Tiêu là đêm. Tết Nguyên Tiêu là đêm hội trạng nguyên.
Tương truyền rằng Tết nguyên tiêu có từ đời Tây Hán cách đây hơn 2000 năm. Tập tục treo đèn lồng có từ thời vua Minh Đế nhà Đông Hán. Tương truyền ngày rằm tháng Giêng là ngày các tăng ni chiêm bái xá lợi Phật, Minh Đế sùng Phật lệnh cho cả nước treo đèn lồng cùng tổ chức. Đời Hán Võ Đế, rằm tháng Giêng lại là ngày tế thần Thái Nhất (thần chủ quản cả vũ trụ), từ đó Nguyên Tiêu trở thành ngày lễ lớn của Trung Hoa.
Lại có thuyết cho rằng thuở xưa có một con thiên nga từ trên trời bay xuống trần gian đã bị một người thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng biết được rất tức giận, đã sai Thiên tướng đúng ngày 15 tháng 1 xuống đốt trụi trần gian. May mắn là vài vị thần tiên trên thiên đình không đồng tình với quyết định của Ngọc Hoàng nên đã liều mình xuống trần gian để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để Ngọc Hoàng tưởng rằng trần gian đã bị đốt, nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong.
Phong tục, hoạt động ngày Tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc
Theo các phong tục dân gian khác nhau của Trung Quốc, mọi người tụ họp với nhau vào đêm Rằm tháng Giêng để ăn mừng với các hoạt động khác nhau.
Vì Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với lịch sử lâu đời và nền văn hóa đa dạng, các phong tục và hoạt động Tết Nguyên Tiêu thay đổi theo từng vùng, như thắp và thưởng ngoạn đèn – gồm đèn lồng, đèn trời, đèn hoa đăng – đốt pháo hoa, đoán câu đố viết trên đèn lồng, múa lân, múa rồng, đi cà kheo…
Các phong tục quan trọng và phổ biến nhất là thưởng thức đèn lồng, đoán câu đố đèn lồng, ăn “thang viên” (bánh trôi) và múa lân.
Món ăn ngày tết nguyên tiêu ở Trung Quốc
Trong ngày Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Trung Quốc có những tập tục ăn các món:
汤圆 /tāngyuán/ – Bánh trôi nước
Bánh trôi, còn gọi là thang viên – viên tròn trong nước, là món ăn yêu thích dịp Rằm tháng Giêng ở Trung Quốc.
Bánh trôi nước 汤圆 /tāngyuán gần âm với 团圆 /tuányuán/ là đoàn viên, với ý nghĩa một năm mới hạnh phúc bên nhau, vạn sự như ý.
生菜 /shēngcài/ – Rau xà lách
Rau xà lách 生菜 /shēngcài/ gần âm với 生财/shēngcái/ là sinh tài, cầu mong năm mới nhiều tài lộc.
饺子 /jiǎozi/ – Há cảo
Miền bắc có tập tục ăn há cảo vào Tết Nguyên Tiêu, người Hà Nam có truyền thống “十五扁、十六圆 – 15 dẹt, 16 tròn”, nên Tết Nguyên Tiêu nên ăn Há cảo.
面条 /miàntiáo/ – Mì
Vùng Giang Bắc có câu “Thắp đèn Nguyên Tiêu, ăn mì, ăn xong cầu mong cả năm ăn nên làm ra”「上燈元宵,落燈面,吃了以後望明年」. Người dân Trung Hoa ăn mì vào tết Nguyên Tiêu để cầu mong một năm an lành, bình an.
枣糕 /zǎogāo/ Bánh táo đỏ
Ăn bánh táo đỏ với mong muốn như ý cát tường.
Hy vọng với những thông tin trên giúp bạn hiểu thêm nguồn gốc, ý nghĩa, những hoạt động trong Tết Nguyên Tiêu của người Trung Quốc. Và những trải nghiệm văn hóa sẽ là nguồn cảm hứng giúp bạn học tốt tiếng Trung.